0

Luật sư Hoa Hồng: “Không nên im lặng trước tội phạm”

16/11/2020 - 20:08
“Tôi không bao giờ im lặng với tội phạm, đặc biệt là tội phạm xâm hại đến trẻ em. Bởi, chúng ta im lặng cũng không đồng nghĩa với việc tương lai của các cháu sẽ được đảm bảo…”.

Luật sư Lê Ngọc Luân được mọi người biết đến với biệt danh là “Luật sư Hoa Hồng” bởi trên bàn làm việc luôn có hai bông hồng, chỉ hai bông! Hai bông hồng này có khi là do thân chủ gửi tặng hoặc do những cộng sự làm việc cùng anh ấy mua để cắm trên bàn làm việc của luật sư. Theo chia sẻ thì biệt danh này mang một ý nghĩa đặc biệt, nó gắn liền với con đường hành nghề mà anh và cộng sự đang theo đuổi. Xoay quanh câu chuyện này, Phụ Nữ Ngày Nay đã có cuộc trao đổi ngắn với Luật sư Lê Ngọc Luân về một số vụ án bảo vệ cho trẻ em bị xâm hại để hiểu rõ hơn tính chất phức tạp cũng như các vấn đề pháp lý khác.

Chào Luật sư Lê Ngọc Luân, đầu tiên xin được cám ơn anh đã dành thời gian cho buổi trò chuyện này! Mọi người biết đến anh thông qua các vụ án bảo vệ thân chủ là trẻ em bị xâm hại, không biết cơ duyên nào đã đưa Luật sư đến các vụ án này?

Tôi đến với các vụ án bảo vệ trẻ em cũng rất tình cờ. Đó là vào năm 2016, người mẹ ở Vũng Tàu cùng một nhà báo đã liên hệ nhờ tôi bảo vệ cho cháu bé bị người đàn ông hơn 70 tuổi xâm hại. Thời điểm đó, người này là Đảng viên và nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Vụ án này đã từng tạo ra làn sóng phẫn nộ cũng như làm rúng động dư luận về nạn xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại Việt Nam.

Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều luật sư đồng nghiệp tại Việt Nam cũng đã và đang dành tất cả tâm huyết để bảo vệ cho trẻ em bởi lý do khi thấy các trẻ thơ bị xâm hại, ẩn chứa bên trong tâm hồn là những vết đau có thể mang theo mãi mãi. Vậy nên chúng tôi theo đuổi các vụ án này với hi vọng góp phần xoa dịu nỗi đau ấy. Đơn giản chỉ có vậy!

Dẫu biết rằng, bất kể công việc gì cũng đều cần thù lao, được xem như một dạng chi phí để làm việc. Tuy nhiên, với các trường hợp nạn nhân là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thì luật sư có tính phí không ạ?

Tuỳ từng hoàn cảnh, chúng tôi sẽ đánh giá, có những trường hợp sẽ tính phí thù lao nhưng mức phí đó cũng chỉ đủ để đi lại. Còn lại, chúng tôi sẽ giúp miễn phí, thậm chí bản thân các luật sư còn phải tự bỏ ra các chi phí để giúp cho Thân chủ của mình với hi vọng san sẻ phần nào đó nỗi đau mà đứa trẻ đó đã không may gánh lấy.

Với nhiều phụ huynh, mặc dù biết con em mình bị xâm hại nhưng vì nghĩ đến tương lai của bé sau này nên thường chọn giải pháp im lặng, không đưa vụ việc ra ánh sáng. Luật sư nghĩ gì về vấn đề này? Làm thế nào để vừa có thể bảo vệ quyền lợi cho trẻ em mà vẫn không sợ ảnh hưởng đến tương lai, sự phát triển của các bé ạ?

Thật sự đây là một vấn đề rất khó để trả lời. Tôi tôn trọng quyền lựa chọn, cách giải quyết của mọi người. Tôi xin không muốn bình luận về việc gia đình nạn nhân chọn giải pháp im lặng, bởi đó là lựa chọn của họ, bởi lẽ tôi không thể đảm bảo và biết trước được về tương lại của các cháu.

Tuy nhiên, trên quan điểm cá nhân, tôi không bao giờ im lặng với tội phạm, đặc biệt là tội phạm xâm hại đến trẻ em. Bởi, chúng ta im lặng cũng không đồng nghĩa với việc tương lai của các cháu sẽ được đảm bảo. Và có ai dám chắc rằng, kẻ có hành vi xâm hại trẻ em đó không thực hiện hành vi xâm hại thêm một lần nữa!? Có thể không phải cháu bé này nhưng sẽ là cháu bé khác. Ngoài ra, cần phải hiểu, việc tố cáo hành vi phạm tội không chỉ bảo vệ cho chính đứa trẻ đó mà còn góp phần lên tiếng trước những bất công xã hội, góp phần đẩy lùi vấn nạn xâm hại trẻ em đang xảy ra tại Việt Nam.

Các mức án đối với một số trường hợp xâm hại đến trẻ em trong thời gian gần đây, dư luận cho rằng vẫn còn quá nhẹ. Ý kiến của luật sư về vấn đề này như thế nào?

Dư luận, cộng đồng mạng có cách nhìn riêng; Tòa án họ cũng có quan điểm về vụ án và Tòa án có thẩm quyền sẽ chịu trách nhiệm về Bản án/quyết định của mình ban hành. Đôi khi việc bình luận hình phạt nhẹ hay không từ dư luận cũng chưa thực sự khách quan. Bởi, tùy vào trình độ học vấn, hiểu biết về pháp luật, thông tin vụ án mà mỗi cá nhân đánh giá mức phạt đó là nhẹ hay chưa, là đủ tính răn đe hay chưa.

Bản thân tôi với vai trò Luật sư, tôi chỉ đánh giá về vụ án khi mình có đầy đủ thông tin và hồ sơ vụ việc.

Với các bậc phụ huynh khi chẳng may phát hiện con mình bị xâm hại thì họ cần làm những gì để có thể tố cáo người xâm hại con mình?

Trước hết, cha mẹ hoặc người thân các cháu cần bình tĩnh, đi đến hai cơ quan gần nhất đó chính là Công an xã, phường nơi cư trú của gia đình và Hội bảo vệ phụ nữ và trẻ tại địa phương để được hướng dẫn việc tố cáo, việc giám định, và thực hiện các biện pháp thu giữ chứng cứ,… Ngoài ra để có thể được bảo vệ tốt nhất thì việc lựa chọn một tổ chức hành nghề luật sư ngay từ đầu đồng hành cùng gia đình là một quyết định thông minh để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của gia đình.

Trên thực tế, có thể đâu đó vẫn còn một số trường hợp bị xâm hại nhưng nạn nhân chưa dám đứng ra đòi lại công bằng. Nếu muốn tìm đến luật sư để nhờ sự giúp đỡ, mọi người có thể liên hệ với Luật sư bằng các hình thức nào ạ?

Thông tin về nơi tôi và các đồng nghiệp làm việc đều được công khai trên trang Fanpage: GOLD KEY Law Firm,  hoặc qua số điện thoại Công ty Luật TNHH Chìa Khóa Vàng (GOLD KEY) – (028) 730.68.568, địa chỉ trụ sở hiện tại: Tầng 3, 62B Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Cảm ơn luật sư Lê Ngọc Luân về những chia sẻ rất bổ ích vừa rồi! Chúc cho anh cùng đồng nghiệp sẽ luôn thành công trên con đường tìm công lý cho các thân chủ của mình!

Quyên Phạm

Theo Phụ Nữ Ngày Nay

Bạn cần tư vấn về pháp lý
Từ khóa: xâm hại trẻ em
BÌNH LUẬN

TIN LIÊN QUAN  

Bạn cần tư vấn về pháp lý

Gửi ngay câu hỏi cho chúng tôi