0

“Máu đào” không chắc giành được quyền nuôi trẻ

16/11/2020 - 20:08
PNO - Một bảo mẫu ở H.Nhà Bè (TP.HCM) đã được công an huyện giao quyền nuôi dưỡng đứa trẻ trong cuộc tranh chấp với bà ngoại ruột của bé. Trước những băn khoăn của bạn đọc, Báo Phụ Nữ TP.HCM xin giới thiệu những góc tiếp cận câu chuyện đặc biệt này…

Trước những băn khoăn của bạn đọc về việc “bà ngoại lại thua bảo mẫu” trong cuộc phân quyền nuôi dưỡng với một đứa trẻ sáu tuổi ở Công an H.Nhà Bè, Báo Phụ Nữ TP.HCM có cuộc trao đổi với luật sư Võ Thị Anh Loan (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Phóng viên: Thưa luật sư, ở trường hợp này, việc giao trẻ cho người thân ít gắn bó hay người dưng gắn bó sẽ phù hợp hơn và giảm thiểu thiệt thòi cho bé?

Luật sư Võ Thị Anh Loan: Hiện tại, địa phương có thể tạm giao cho người nuôi thuê vì họ đã trình báo công an, đã có chính quyền địa phương vào cuộc, họ đã chăm sóc bé nhiều năm nên không lo việc họ đưa bé đi đâu hoặc làm điều gì không an toàn. Quan điểm của tôi là chưa vội giao hẳn cho bên nào. Địa phương phải phối hợp để xác minh đầy đủ, kỹ càng xem ai là người nuôi bảo đảm đúng pháp luật và đủ điều kiện phát triển toàn diện cho bé.

* Thái độ, nguyện vọng của cháu bé có thể được xem là câu trả lời không, thưa luật sư?

- Nếu chỉ dựa vào cảm quan ban đầu là người nuôi thuê cưng yêu bé và bé cũng quấn quýt họ hoặc khóc lóc, đòi theo mà giải quyết giao cho họ nuôi thì chưa đủ cơ sở. Có nhiều câu hỏi cần đặt ra: trong thời gian chăm sóc, bé được giáo dục như thế nào? Vì sao bé phải sợ người ruột thịt, trong khi ít tiếp xúc? Người nuôi thuê có làm gì để mối quan hệ của bà cháu tốt hơn chưa?…
Về phía bà của cháu bé, tại sao nhiều năm trời, bà lại giao cho người ngoài trực tiếp nuôi. Mối giao dịch giữa hai người là gửi - giữ trẻ hay như thế nào?…

Pháp luật sẽ ưu tiên giao trẻ cho người đảm bảo các điều kiện chăm sóc, nuôi dạy, học hành... để đứa trẻ phát triển toàn diện (ảnh minh họa)

* Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa tính pháp lý và nhân văn trong việc chọn người nuôi dưỡng thì mong muốn của trẻ có được xét ưu tiên?

- Bé sáu tuổi có thể nói lên suy nghĩ của mình và được ghi nhận để tham khảo. Đó không phải là mấu chốt đi đến quyết định giao bé cho ai nuôi dưỡng.

Điều 52 Bộ luật Dân sự 2015 quy định ông bà là người giám hộ đương nhiên của trẻ chưa thành niên - thuộc hàng thứ hai sau anh, chị, em ruột, trong trường hợp trẻ không còn cha mẹ, không xác định được cha mẹ, cha mẹ đều mất năng lực hành vi, hạn chế năng lực hành vi, bị tòa hạn chế quyền của cha mẹ đối với con hoặc cha mẹ không đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục con. Theo đó, ông bà phải thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người giám hộ theo đúng quy định, trong đó có nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục.

Người ngoài không tự ý chiếm giữ, mang đứa bé đi và che giấu địa chỉ nơi ở mới với bất cứ lý do gì. Ngay cả trong trường hợp người nhà từng giao con cháu mình cho người ngoài giữ, đến lúc cần đưa cháu về lại gia đình trực tiếp nuôi dưỡng mà bên kia vẫn khăng khăng không giao, gia đình hoàn toàn có thể nộp đơn tố giác tội giữ người trái pháp luật cho Công an huyện xử lý. Nếu thực sự thương yêu, người nuôi thuê phải nói chuyện rõ ràng với người giám hộ của bé để thực hiện các thủ tục chăm sóc thay thế theo quy định. Ngay cả khi đã là người chăm sóc thay thế cũng không được ngăn cản mà phải tạo điều kiện cho người thân của bé thăm nom, chăm sóc giáo dục bé. Không hề có sự mâu thuẫn giữa tính pháp lý và nhân văn, nhất là nhân văn đối với đứa trẻ. Chỉ là người lớn có thực hiện đúng những lộ trình được quy định hay không.

* Vậy khi người giám hộ bỏ rơi trẻ hoặc cản trở quyền của trẻ, người đang trực tiếp chăm sóc sẽ làm gì để hợp thức hóa quyền của mình đối với trẻ?

- Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp người giám hộ không thực hiện việc chăm sóc, giáo dục trẻ, hoặc có hành vi bỏ mặc trẻ. Theo khoản 9, điều 4 Luật Trẻ em 2016, “Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là trường hợp cha mẹ, người chăm sóc trẻ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em”. Hành vi này vi phạm điều cấm quy định tại khoản 2 và khoản 6, điều 6 luật này. 

Có hai cách để hợp thức hóa quyền đối với “người dưng” nhưng yêu thương và gắn bó với trẻ là đăng ký nhận chăm sóc thay thế hoặc nhận nuôi con nuôi.

Nếu đăng ký nhận chăm sóc thay thế, Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định đầy đủ về thủ tục, điều kiện, theo đó: cá nhân, người đại diện gia đình có nguyện vọng và đủ điều kiện làm đơn gửi UBND cấp xã nơi cư trú. UBND cấp xã có trách nhiệm lập và gửi danh sách hằng quý cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện để lựa chọn gia đình nhận chăm sóc thay thế.

Theo khoản 3 điều 42 Nghị định 56/2017 thì thứ tự ưu tiên khi lựa chọn gia đình nhận chăm sóc thay thế là người thân thích rồi mới đến cá nhân, người đại diện gia đình nhận chăm sóc thay thế nơi trẻ em cư trú. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2, điều 42 thì Nhà nước khuyến khích việc cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia trợ giúp, chăm sóc trẻ em, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Hiện nay, luật quy định khi giao chăm sóc thay thế trong trường hợp bị bỏ rơi cần có sự đồng ý của người giám hộ. Tuy nhiên, nếu trường hợp người giám hộ đã vi phạm điều cấm, cản trở quyền của trẻ em thì Chủ tịch UBND cấp xã phải can thiệp, tạo điều kiện để người nuôi dưỡng trực tiếp thực hiện các thủ tục nhận chăm sóc thay thế theo đúng quy định, đảm bảo cho trẻ em được bảo vệ một cách tốt nhất. 

* Xin cảm ơn luật sư.  

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

Theo Phụ Nữ Online

Bạn cần tư vấn về pháp lý
BÌNH LUẬN

TIN LIÊN QUAN  

Bạn cần tư vấn về pháp lý

Gửi ngay câu hỏi cho chúng tôi