0

Hành động để ngăn chặn vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em

26/01/2022 - 11:58
(DNTO) - Im lặng trước hành vi xâm hại tình dục trẻ em đồng nghĩa với thỏa hiệp, che giấu tội ác, khiến nạn nhân không được bảo vệ, lấy lại công bằng và khiến tội phạm tình dục có cơ hội tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại với nhiều trẻ nhỏ khác.
 
Từ phải qua: Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, luật sư Võ Thị Anh Loan, luật sư Lê Ngọc Luân trong buổi giao lưu, giới thiệu Sổ tay xử lý khi nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục, sáng 23/01, tại Đường sách TP.HCM.

Từ phải qua: Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, luật sư Võ Thị Anh Loan, luật sư Lê Ngọc Luân trong buổi giao lưu, giới thiệu Sổ tay xử lý khi nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục, sáng 23/01, tại Đường sách TP.HCM.

Xâm hại tình dục trẻ em là một tội ác không thể dung thứ trong xã hội hiện đại, chúng khiến trẻ bị tổn thương nặng nề về thể chất lẫn tinh thần và để lại di chứng trong suốt cuộc đời.

Im lặng sẽ khiến thêm nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục

271246826_1780452612286099_8838196446578282870_n
Ngay khi phát hiện dấu hiệu trẻ bị xâm hại tình dục, gia đình cần giữ bình tĩnh, hỏi han trẻ, có ghi âm, quay hình. Không tắm rửa cho trẻ trong vòng 72 giờ đồng hồ. Không chạm vào tã, quần áo trẻ mặc khi nghi ngờ bị xâm hại vì có thể để lại tế bào nam (của cha hoặc người thân) trên đồ vật

Luật sư Lê Ngọc Luân

Trong giai đoạn từ 1/1/2015 đến 30/6/2019, trên cả nước có 6.432 trẻ em bị xâm hại tình dục (theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội), đồng nghĩa với việc trung bình khoảng 4 tiếng đồng hồ, có một trẻ trở thành nạn nhân của tội ác này.

Con số đau lòng ấy là minh chứng cho việc xã hội còn lúng túng trong xử lý khi nghi ngờ, phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục. Nạn nhân, gia đình, người thân của trẻ bối rối, rất nhiều trường hợp chọn cách im lặng do không biết làm gì, kêu cứu ở đâu.

Nhưng, im lặng trước hành vi xâm hại tình dục trẻ em cũng đồng nghĩa với thỏa hiệp, che giấu tội ác, khiến nạn nhân không được bảo vệ, lấy lại công bằng và khiến tội phạm tình dục có cơ hội tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại với nhiều trẻ nhỏ khác.

Tuy nhiên, tội phạm tình dục trẻ em vốn phức tạp, quá trình đưa kẻ phạm tội ra trước pháp luật có thể kéo dài do nhiều nguyên nhân khiến người trong cuộc và cả cơ quan hành pháp cũng gặp khó.

Bức xúc không làm ta vô can

Khi một trẻ bị xâm hại tình dục được phát hiện, công luận xôn xao, đau xót, phẫn nộ. Nhưng, đó chỉ là khi sự việc được phát giác, kẻ phạm tội phải ra trước pháp luật, hoặc nạn nhân vẫn chịu nhiều tổn thương trên hành trình tìm kiếm công lý.

Đa phần, cha mẹ, người thân của trẻ bị xâm hại chọn cách im lặng trong đau xót, bởi mang nặng tâm lý của người Á Đông – xem vấn đề tình dục là nhạy cảm, thậm chí bẩn thỉu.

Nhưng, “ta bức xúc vì đó là việc xảy ra với con của người khác, còn khi con em mình trở thành nạn nhân, ta lại tìm cách né tránh, không thừa nhận, hoặc bối rối, lo lắng, không biết xử trí ra sao. Điều đó khiến kẻ phạm tội tiếp tục có hành vi đồi bại với nhiều trẻ em khác”, tiến sĩ Phạm Thị Thúy, chuyên gia tham vấn tâm lý nhấn mạnh.

Tiến sĩ cho biết thêm: "Chúng ta thường cho rằng trẻ gái dễ bị xâm hại tình dục hơn trẻ nam, nhưng thực tế, trẻ nam có nguy cơ bị xâm hại rất lớn. Sang chấn tâm lý sau khi bị xâm hại có thể khiến chính các em trở thành kẻ phạm tội xâm hại tình dục tiếp theo, hoặc có lối sống tình dục lệch lạc”.

“Nếu không khơi lên vấn đề này, không truyền thông sâu rộng, không cung cấp kiến thức pháp lý liên quan cho các bậc cha mẹ thì chúng ta không thể ngăn chặn vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em”, luật sư Lê Ngọc Luân, từng tham gia đấu tranh giành công lý cho nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục, khẩn thiết.

Hành động để bảo vệ trẻ thơ

Làm gì để chủ động thu thập, tìm kiếm chứng cứ; bảo vệ hiện trường; trình báo, tố cáo kịp thời, cung cấp thông tin hữu ích cho cơ quan điều tra theo quy định pháp luật là những kiến thức mà mọi bậc cha mẹ và những người quan tâm đến trẻ em cần hiểu rõ, bởi đây là những bước quan trọng giúp nhanh chóng vạch mặt kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em.

z3133457753845_7ca400dc9485f70ed1842093e277f4d0
Khi tố cáo tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nếu công an không tuân thủ đúng quy định pháp luật (từ chối nhận đơn; có thái độ hăm dọa; không tiếp nhận chứng cứ…), gia đình nạn nhân cần khiếu nại, tố cáo về những hành vi sai trái pháp luật của cơ quan hành pháp; đồng thời kêu cứu đến các cơ quan truyền thông, các đoàn thể có chức năng bảo vệ trẻ em như hội phụ nữ, hội bảo vệ quyền trẻ em…

Luật sư Võ Thị Anh Loan

Thấu hiểu nỗi đau của những nạn nhân thơ dại; sự bức thiết về kiến thức pháp lý liên quan của các bậc cha mẹ, từ kinh nghiệm thực tiễn, đấu tranh thành công nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em, nhóm tác giả là luật sư Lê Ngọc Luân, luật sư Võ Thị Anh Loan (Hãng luật Gold Key) và tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy đã thực hiện cuốn Sổ tay xử lý khi nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục, vừa được giới thiệu đến các bậc cha mẹ và những người quan tâm trẻ em.

Những hành vi nào được xem là xâm hại tình dục trẻ em; Các dấu hiệu cho thấy trẻ bị xâm hại tình dục; Quá trình đưa vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ra pháp luật; Thu thập và giao nộp chứng cứ như thế nào; Thời điểm, cách thức thu thập chứng cứ; Các bước tố cáo hành vi xâm hại tình dục trẻ em; Giám định pháp y tình dục… là những kiến thức pháp lý cơ bản, được trình bày với văn phong mộc mạc, dễ hiểu giúp người đọc dễ tiếp thu, vận dụng những công cụ pháp lý mà bạn có thể tìm thấy trong cuốn sổ tay này, để, nói như luật sư Lê Ngọc Luân, giúp chúng ta ngăn chặn ngay từ khi hành vi xâm hại tình dục trẻ em chưa kịp xảy ra; kịp thời vạch mặt kẻ phạm tội ngay khi bạn nghi ngờ, phát hiện con em mình là nạn nhân của kẻ thủ ác.

Phần 2 của tập sách với những gợi ý cơ bản về cách thức chăm sóc nạn nhân, nâng đỡ trẻ vượt qua biến cố do tiến sĩ Phạm Thị Thúy thực hiện, giúp cha mẹ đồng hành cùng con trong suốt hành trình đòi lại công bằng, xua tan nỗi đau, chữa lành vết thương tâm lý.

“Chúng tôi thực hiện cuốn sổ tay này, trước hết là để giúp mọi người phòng, chống tệ nạn trước khi chúng xảy ra, và có kiến thức để kịp thời xử trí nếu chẳng may con em mình bị xâm hại. Hành động, đồng hành cùng nhau, chúng ta sẽ bảo vệ trẻ để các em được sống an toàn”, luật sư Lê Ngọc Luân cho biết. 

Mong muốn cung cấp kiến thức pháp lý cho các bậc cha mẹ, nhóm tác giả cũng kỳ vọng sổ tay sẽ trở thành tài liệu tham khảo thiết thực đối với những tổ chức, cá nhân hoạt động vì cộng đồng; là cẩm nang bổ ích cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa, nông thôn, do vậy, Sổ tay xử lý khi nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục sẽ được phát miễn phí đến những tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Để nhận Sổ tay xử lý khi nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục và được tư vấn pháp lý, bạn có thể liên hệ qua số điện thoại: 028 73068568 (giờ hành chính).

Tiếp nối bản in, bản điện tử của ấn phẩm này sẽ được cập nhật trong thời gian sớm nhất để bạn đọc dễ dàng tiếp cận thông tin.

Nguồn: Tố Hạnh - Doanh nhân trẻ, 24/01/2022 

Bạn cần tư vấn về pháp lý
BÌNH LUẬN

Bạn cần tư vấn về pháp lý

Gửi ngay câu hỏi cho chúng tôi